Được tạo bởi Blogger.

Thứ Hai, 6 tháng 5, 2013

Tag:

Môn Chọi Gà


Lịch Sử và Gà Nòi

   Cựa gà không chọc thủng áo da !!!.  
Thú chơi gà nòi và truyền thống đá gà tại Việt Nam đã có từ lâu đời, có thể hơn 700 năm trước vào thế kỷ thứ 12. Trong thời gian đầu khi sở thích chơi gà nòi được bắt đầu phát triển cho một số bậc vua chúa quyền quí và sau đó lan rộng ra chốn dân giã, những tài liệu về văn chương được truyền tụng đã bị thất lạc hoặc tiêu huỷ và lấy mất do những lần Việt Nam bị nước Tàu xâm lăng và thống trị. Lịch sử Việt Nam ghi lại những lần trở lại đô hộ Việt Nam, các sách vở quý giá đều bị Tàu tịch thâu và đốt cháy để áp dụng chính sánh "ngu dân" hòng thống trị Việt Nam lâu dài. Những tài liệu hướng dẫn về cách chọn lựa xem tướng gà nòi chỉ xuất hiện gần đây vào thế kỷ thứ 17. Một trong những người tiên phong trong việc biên soạn và để lại cho hậu thế nguồn tài liệu quý giá là Tả Quân Lê Văn Duyệt (1763-1832), một Trung thần có công bình định và xây dựng tỉnh Gia định ngày nay dưới thời vua Gia Long 
Tục truyền Tả Quân Lê Văn Duyệt đã nuôi 5000 con chiến kê để nghiên cứu về các thể loại như Ngũ Hành luận dựa trên sắc lông, phép xem tướng và phép xem vảy. Một trong những thủ bản cẩm nang về gà nòi còn được truyền tụng đến ngày nay là "Kê Kinh" mặc dù do bản sao chép lại đã "tam sao thất bổn" nhưng vẫn còn nhiều giá trị và được các sư kê và các tay chơi gà gối đầu giường và dùng làm "kim chỉ nam" cho việc chọn và xem tướng gà nòi. 

Một điển tích khác trong lịch sử Việt Nam vào thế kỷ thứ 13 đó là dưới thời nhà Trần, cựa gà nòi được nhắc đến trong bài Hịch Tướng Sĩ trong Hưng Đạo Đại Vương Liệt Truyện. Vào thời đó, thú chơi gà nòi đã thành một hiện tượng rất phổ thông trong dân gian. Khi hiểm hoạ của giặc Mông Cổ với một đạo quân hùng hậu dưới thời vua nhà Nguyên là Hốt Tất Liệt tràn sang biên giới để xâm lăng nước Đại Việt vào năm 1258. Ở vào tuổi 30 “Tam thập như lập” Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn đã thống lãnh quân đội để chống lại giặc "Thát Đát". Để cảnh tỉnh binh sĩ và dân chúng chỉ lo mải mê với thú chơi gà nòi mà quên đi mối họa "nước mất nhà tan" ngài đã cảnh tỉnh quân lính bằng lời hiệu triệu: 



"Hùng kê chi cự, bất túc dĩ xuyên lỗ giáp
Đổ bác chi thuật, bất túc dĩ thi quân mưu."

Diễn thơ
Đúng có lúc quân Mông, Thát tới,
Cựa gà không chọc nổi áo da,
Những nghề cờ bạc tinh ma,
Phải đâu kế hoạch của nhà cầm quân?


Ngày nay các tay chơi gà nòi có thể tham khảo về những kỹ thuật nuôi, tập luyện và chuẩn bị gà ra trường từ các tay chơi gà nòi đầy kinh nghiệm và lão luyện đã từng sống tại Hà Nội với giòng gà Mã lại (Mã mái) vào những năm của thập niên '30. Một số những tài liệu, ấn bản về nghệ thuật và văn chương truyền khẩu qua cách chơi gà nòi đã được ghi nhận lại vào thời kỳ tiền chiến (1945). Vào thời này ở miền Bắc có nhiều trường gà (sới) cho các tay chơi gà nòi so tài cao thấp với số người tham dự lên đến cả hàng ngàn người 

   Vua Minh Mạng.   


Môn Chơi Của Bậc Vương Giả
Các triều đại vua chúa Việt Nam ngày xưa thường dùng súc vật để thi đấu hoặc biểu diễn trong những dịp lễ hội đặc biệt. Có ba loại chính được dùng trong thể loại thi đấu là: Hổ Quyền, Chọi Trâu, và Đá Gà. 

Hổ Quyền

   .   
Vua Minh Mạng sinh năm 1791 và băng hà năm 1840. Nhà vua có 40 vợ, 87 hoàng tử và 64 công chúa. 

Năm 1830, vua cho xây "Hổ Quyền" trên bờ sông Hương cách nội thành Huế khoảng 4 kilo mét về hướng Nam. Hổ Quyền rất đựơc các vua nhà Nguyễn ưa chuộng. Hổ đựơc dùng để đấu với voi và thường bị voi quật chết.

Sử ta có ghi lại chuyện con nuôi của Tả Quân Lê Văn Duyệt là Lê Văn Khôi dùng tay không đả hổ trong dịp Sứ Thần Xiêm La (Thái Lan) ghé thăm khiến họ kinh phục. 

Đá Gà

   Một trận thư hùng.   
Trong khi "Hổ Quyền" là một nghệ thuật biểu diễn võ thuật được tổ chức trong giới hạn của cung đình cho các bậc vua chúa thưởng ngoạn thì "Chọi trâu" và "Đá gà" là hai thú vui dân gian. Tuy nhiên phải nói đá gà là một trong những loại thi đấu được nhiều người ưa thích và tham dự. Ngoài những bậc như vua, chúa và các quan cận thần chơi gà phải kể đến Tả Quân Lê Văn Duyệt và Nguyễn Nhạc (nhà Tây Sơn 1778 - 1802). 

Nhiều chuyện được dân gian truyền khẩu kể lại về Nguyễn Nhạc là người rất mê gà nòi, chính ông là người đã bỏ công ra sưu tầm về môn "Kê Quyền" là môn võ dựa trên các thế đánh và ra đòn của gà nòi. Ngày nay những thế võ này vẫn được lưu truyền lại tại vùng Bình Định thuộc miền Trung Việt Nam.


   Những mẫu tem thư gà nòi đựơc chính quyền Việt Nam phát hành nói lên nét đặc sắc của truyền thống đá gà trong các dịp Tết và lễ hội.   
Gà nòi trong lịch sử và sinh họat.
Muốn hiểu rõ hơn về truyền thống đá gà tại Việt nam thì cần phải hiểu thấu đáo chữ "Nòi" trong văn chương bác cổ. Chữ "Nòi" được dùng cách đặc biệt để nói về truyền thuyết xuất xứ của người Việt ngày nay. Bốn chữ "Nòi Giống Tiên Rồng" mang một ý nghĩa sâu đậm về nguồn gốc và bản sắc dân tộc. Truyền thuyết "Tiên Rồng" được dùng để nói đến người Việt ngày nay là hậu duệ của "Cha Rồng" và "Mẹ Tiên" một giòng dõi có một không hai trong lịch sử nhân loại. Có nhiều điểm tương đồng khi nói đến giống Linh vật như rồng và gà nòi. Rồng là một Linh vật có những đặc điểm nổi bật như sức mạnh vô song, dũng cảm trước kẻ thù và không chịu khuất phục. Gà nòi cũng có những đặc tính tương tự nhưng rồng chỉ xuất hiện trong truyện hay truyền thuyết của văn chương nên gà nòi có thể nói là loài vật mang nhiều đặc tính như loài Linh vật nhưng lại rất gần gũi với con người. Có thể đó là một trong những lý do mà người Việt ưa thích nuôi gà nòi. 

Trong lịch sử nước nhà, dân tộc Việt luôn luôn nổi dậy để chống bạo quyền và ngoại xâm không chịu khuất phục trước sức mạnh của ngoại xâm. Sự bất khuất và dũng cảm của dân Việt có những điểm tương đồng với sự bất khuất và dũng cảm của gà nòi. Nếu không kể đến rồng là biểu tượng trong tưởng tựơng thì có thể nói gà nòi là biểu tượng hoàn hảo nhất cho sự dũng cảm và bất khuất của dân Việt. Những người mê gà nòi là những người có những tánh nét đặc biệt hiếm có. Ngay cả những tay mê gà ở Mỹ cũng tự xem mình thuộc thành phần "special breed", (loài đặc biệt.)

Trong thời gian dịch cúm gà hoành hành tại Việt Nam vào năm 2003, chính quyền đã tịch thâu và hủy diệt một số gia cầm rất lớn nhằm chận đứng bệnh dịch có thể lan tràn ra những vùng khác. Có những người yêu gà nòi đã bất bình thốt lên: "Gà nòi còn, nước Việt còn. Gà nòi mất, nước Việt mất". Câu nói này nói lên tinh thần bất khuất của gà nòi trong mỗi người dũng sĩ Việt Nam mà gà nòi là biểu tượng thực tế. Một khi lòng dũng cảm đấu tranh của con người mất đi thì tổ quốc của họ cũng sẽ bị mất. 

Mặc dầu được dựa trên một thành ngữ đã có sẵn và thay đổi hai chữ “tiếng Việt” thành hai chữ “gà nòi” trong câu "Tiếng Việt còn, nước Việt còn, tiếng Việt mất, nước Việt mất" nhưng nếu xem lại lịch sử nước nhà trong quá trình dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã đánh bại nhiều kẻ thù có khả năng về quân sự và nhân lực gấp bội lần. Những dũng tướng điều binh góp phần để bảo vệ giang sơn gấm vóc được biết trong lịch sử Việt Nam như Lê Văn Duyệt, Nguyễn Nhạc là những người am tường về cách nuôi cũng như thú chơi đá gà. Đặc tính can đảm của gà nòi có thể nói phần nào ảnh hưởng đến cá tính và gây phấn khích trong cuộc chiến nhưng nếu gà nòi bị tuyệt chủng hay mất đi thì tinh thần chiến đấu và sự hứng thú của người trong thời thế cũng bị ảnh hưởng ít nhiều.

Trong nghệ thuật gà nòi, các tay chơi mới vào nghề tỏ sự kính trọng và khâm phục đến các sư kê và lớp đàn anh trong nghề lâu năm là một trong những đặc tính ‘bất di bất dịch’ trong võ thuật và truyền thống chơi gà nòi của người Việt Nam. Người chủ kê chỉ được các tay chơi gà biết đến nếu con gà lập được công trạng. Qua kinh nghiệm và cách săn sóc luyện tập mỗi một con gà nòi ra trường đều mang niềm tự hào cho người chủ kê. Các tay chơi gà thường bỏ nhiều thời gian chăm sóc gà nòi và đôi khi dẫn đến sự ham mê thái quá. Khi nghe tiếng một con chiến kê tài giỏi thì dầu xa xôi đến đâu cũng tìm đến và nài mua cho bằng được. Người chủ kê mà có một con chiến kê quý thì ngoài vấn đề tiền bạc bỏ ra, chủ kê còn giành nhiều thời gian để chăm sóc cho con gà của mình và đến nước này thì vai trò có thể đảo ngược lại và không biết người làm chủ gà hay gà làm chủ người. 


   Một trận gà ở Hà Nội.   
Người Việt Nam và các dân tộc Á Châu nói chung không muốn mất mặt cho dù bằng một lý do nhỏ nhặt nhất, trong lãnh vực này thì không kể sang hèn, giầu hay nghèo đều như nhau. Từ đặc tính văn hóa cổ truyền này, Đạo Kê được thành hình và ra đời. Nó là văn hoá của giưới thượng lưu biết chữ vì họ phải thông suốt những tài liệu đá gà đựơc viết bằng Hán văn hoặc Hán Việt như Kê Kinh. Kinh sách và tài liệu qúy báu thừơng chỉ đựơc lưu truyền giữa những giưới thượng lưu và có tính cách bí truyền không thoát ra cho người ngoài. 

Những người trẻ tuổi chập chững bước vào thú chơi đá gà thường "tầm thầy học đạo" trong quan hệ sư phụ và đệ tử. Đối với một sư kê thì nỗi sung sướng và tự hào lớn nhất của họ là khi dòng gà của mình ra trường đá thắng một con gà lừng danh khác đã có tên tuổi trên chốn giang hồ. Những trận gà "để đời" như thế được kể lại và truyền miệng trong giới mộ điệu, tên tuổi của họ được nhiều người nể nang và biết đến. 

Các sư kê thường giữ dòng gà riêng cho mình và không muốn thất thoát ra ngoài, đây là lý do tại sao gà mái gốc không được bán ra. Họ lo ngại khi dòng gà lọt ra ngoài sẽ giúp cho các đối thủ khám phá ra thế đá riêng của giòng gà đó và tìm cách khắc phục. Câu thành ngữ của ông bà ngày xưa “Biết người biết ta, trăm trận trăm thắng” không những chỉ áp dụng trong binh nghiệp mà còn được áp dụng trong phép đá gà. Các dòng gà nổi tiếng vô địch thường vô gía và không thể nào mua cho dù ngay cả từ bạn bè thân.

Ngày nay người Việt Nam vẫn tổ chức các buổi thi đá gà vào những dịp Tết đầu năm để giữ tập tục cổ truyền của cha ông. Các nông gia trong làng mạc cũng thường tổ chức những buổi đá gà để giao lưu và phát triển dòng gà của mình. 

Blog Nặc danh

Hi, Nguyễn Nghĩa rất vui khi nhận được những lời chia sẻ, đóng góp kinh nghiệm từ bạn, tôi rất hoan nghênh những chia sẽ kiến thức hữu ích từ bạn.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét